Trẻ bú sữa mẹ nhiều nhưng chậm tăng cân: Nguyên nhân và biện pháp
Trẻ bú sữa mẹ nhiều nhưng chậm tăng cân: Nguyên nhân và biện pháp
Những tháng đầu đời bé bú sữa mẹ hoàn toàn, bú nhiều những chậm tăng cân có phải do sữa mẹ không tốt, có cần bổ sung thêm sữa công thức không?
Hỏi: Bác sĩ ơi, em cho con bú sữa mẹ hoàn toàn mà con vẫn chậm tăng cân quá. Có phải do sữa em nóng, sữa xấu hay không? Em có cần bổ sung thêm sữa công thức cho bé hay không?
Đáp: Một điều luôn cần khẳng định ngay từ đầu đó là sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Không có khái niệm “sữa nóng” hay “sữa xấu”. WHO đã khuyến cáo hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để nhận được những giá trị tốt nhất từ sữa mẹ cho con. Vì vậy mẹ hãy yên tâm tiếp tục cho con bú sữa mẹ.
Nguyên nhân trẻ bú mẹ nhiều nhưng không tăng cân
Việc em bé chậm tăng cân có 2 nguyên nhân:
- Thứ nhất là do bé không nhận được đủ lượng sữa cần thiết mỗi ngày nên không đủ nguồn năng lượng đưa vào trong cơ thể để phát triển tốt.
- Thứ hai là do hệ tiêu hóa của bé có vấn đề bởi bệnh lý hay em bé bị ốm làm giảm sự hấp thu của đường tiêu hóa nên ăn vào nhưng không hấp thu được.
Với một em bé bú mẹ hoàn toàn trong khoảng thời gian 6 tháng đầu đời thì vấn đề bé chậm tăng cân chủ yếu nằm ở nguyên nhân thứ nhất. Trong giai đoạn này trẻ ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là trẻ bú mẹ. Bé chậm tăng cân là bởi không nhận được đủ lượng sữa, đủ nguồn năng lượng để cơ thể lớn lên.
Và những nguyên nhân phổ biến để bé không nhận được đủ nguồn sữa mẹ cần thiết là:
- Mẹ ít sữa
Vấn đề này mẹ có thể nhận biết được ngay: Trong 3 tháng đầu sau sinh mà ngực không có cảm giác căng tức thường xuyên, khi hút sữa, kích sữa thì lượng sữa ra ít.
Khi mẹ ít sữa sẽ hình thành cho con một thói quen đó là ăn ít dần. Khi bé bú không được nhiều thì sẽ giảm các hoạt động để giảm tiêu thụ năng lượng của cơ thể. Sự điều chỉnh đó giúp bé không bị đói nhưng cũng đồng thời khiến bé cảm thấy không muốn ăn, ăn ít dần và hình thành thói quen ăn ít của bé. Cơ chế tiết sữa mẹ cũng dựa theo nhu cầu ăn của bé nên dễ dẫn đến tình trạng mẹ ngày càng ít sữa.
Biện pháp: Những nguyên nhân chính gây nên tình trạng mẹ ít sữa là chế độ ăn uống, chế độ ngủ nghỉ không đảm bảo, mẹ bị ốm phải dùng thuốc. Bởi vậy phụ nữ sau sinh trong những tháng đầu tiên cần chế độ chăm sóc đặc biệt, đầy đủ về
dinh dưỡng và có đủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tâm trạng thoải mái thì mới có đủ sữa cho con.
- Bé bú được một chút đã ngủ nên mẹ tưởng con đã no rồi. Thực tế, hoạt động bú mẹ là một hoạt động mất sức sẽ khiến bé mệt nên bé có thể bú mẹ một lát rồi chỉ ngậm hoặc thiu thiu ngủ. Mẹ nghĩ con bú no rồi ngủ nhưng thực ra bé vẫn chưa nhận đủ lượng sữa cần thiết.
Biện pháp: Trong những tháng đầu sơ sinh mẹ phải để ý nếu thấy con ngoan, con ngủ nhiều, con ít hoạt động, ngực lại không căng tức, về sữa thường xuyên thì phải chú ý để con không bị thiếu sữa.
- Mẹ cho bú sai cách: khi mà em bé ngậm không đúng khớp, không ngậm hết quầng vú mẹ, khi mà đầu ti mẹ bị thụt hoặc đầu ti to quá bé không ngậm được thì bé cũng nhận được lượng sữa ít hơn dù bú lâu.
- Con mắc các bệnh lý bẩm sinh ví dụ như mềm sụn thanh quản khiến bé bú hay bị sặc, bệnh tim bẩm sinh khiến bé dễ bị mệt trong quá trình bú nên sẽ bú ít hơn, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản làm bé ăn xong hay nôn trớ và dịch acid dạ dày trào lên có thể kích ứng khiến bé khó chịu thậm chí đau rát nên bé nảy sinh cảm giác sợ ăn…
Biện pháp: Khi bé có các bệnh lý bẩm sinh thì mẹ phải chú ý hơn để có những biện pháp hỗ trợ giúp bé ăn tốt hơn.
- Thói quen bú không theo cữ không theo giờ: đây là nguyên nhân điển hình làm cho bé không nhận được đủ lượng sữa mặc dù mẹ nhiều sữa, thừa sữa. Thói quen này bắt nguồn từ việc trong tháng đầu sau sinh bác sĩ thường dặn cho bé bú bất cứ lúc nào bé muốn theo nhu cầu của bé. Khoảng 1,5 – 2 tiếng bé đòi bú một lần. Tuy nhiên thói quen này chỉ nên duy trì trong tháng đầu sơ sinh.
Nếu mẹ vẫn giữ thói quen cho bé bú lắt nhắt không theo cữ không theo giờ thì sẽ nhận thấy con bú nhanh bú khỏe nhưng chỉ kéo dài 3 – 5 phút sau đó lại dừng chơi không chịu bú tiếp hoặc ngủ. 1 – 2 tiếng sau đói lại đòi bú tiếp. Lặp đi lặp lại như thế trong cả ngày. Như vậy, dù số lần bú nhiều nhưng thực tế bé không bú được bao nhiêu và chỉ nhận được lượng sữa đầu dự trữ sẵn trong bầu ngực của mẹ rất loãng, chủ yếu là nước. Không kịp nhận được lượng sữa sau tiết ra tiếp trong quá trình bú có chứa nhiều chất béo, nhiều năng lượng. Cho nên bé bị còi và không tăng cân.
Biện pháp: Sang tháng thứ 2, thứ 3 mẹ phải thay đổi cho con bằng cách kéo dài khoảng thời gian giữa các cữ bú ra để mỗi cữ bé bú được nhiều hơn. Rèn luyện cho con ăn theo giờ, theo cữ, mỗi cữ bú trong ít nhất là trên 7 phút, lý tưởng là 15 – 20 phút. Nếu con đang bú mà buồn ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức con dạy, nếu con nghỉ chơi thì bắt con tập trung vào việc bú để cữ bú được dài ra.
Dấu hiệu nhận biết bé đã nhận đủ được lượng sữa mẹ cần thiết
- Số cữ bú của bé là khoảng 8 – 12 cữ/ngày trong 3 tháng đầu: tháng thứ nhất khoảng 12 cữ, sau đó giảm xuống khoảng 8 cữ/ngày trong tháng thứ 2, 3. Từ tháng thứ 4, 5 6 duy trì 6 – 7 cữ mỗi ngày. Giảm cữ bú nhưng lượng sữa bé nhận được không giảm bởi lực bú của bé cũng phát triển theo tháng tuổi. Càng ngày bé sẽ bú càng khỏe hơn và mỗi lần bú bé nhận được lượng sữa tăng lên theo tháng tuổi.
- Bé đi tiểu ít nhất 6 lần/ngày, nước tiểu trong hoặc hơi vàng, đi tiêu phân vàng mềm.
- Bé có ít nhất 2h đồng hồ giữa 2 cữ bú chơi ngoan hoặc ngủ bình thường, không cáu gắt, không đòi bú.
- Tăng cân theo bảng tiêu chuẩn:
+ Trong 3 tháng đầu tiên tăng 800 – 1200gram/tháng. Nếu chỉ tăng dưới 600gram/tháng là bé đang thiếu sữa, mẹ cần xem xét điều chỉnh.
+ 3 tháng tiếp theo (tháng thứ 4 đến tháng thứ 6) tăng 600 – 800gram/tháng. Nếu chỉ tăng dưới 400gram/tháng là bé đang thiếu sữa. Nếu mẹ ít sữa mà kích sữa, hút sữa đều không có hiệu quả thì cần bổ sung thêm sữa công thức cho con để đảm bảo lượng sữa phục vụ nhu cầu phát triển của bé.
- Bé bú mẹ có tiếng nuốt ừng ực trong khi bú. Sau khi bú bé vui vẻ thỏa mãn, có thể ngủ hoặc chơi ngoan.
- Trước khi bú ngực mẹ căng sữa và sau khi bú thì ngực xẹp hẳn đi.
- Bé ngậm đúng khớp nên không gây đau ở vú cho mẹ.
*
Website:
https://chuchubaby.vn