Những lưu ý để tiêm phòng trước khi mang thai hiệu quả nhất
Những lưu ý để tiêm phòng trước khi mang thai hiệu quả nhất
Hãy bỏ suy nghĩ tiêm phòng trước khi mang thai là tốn tiền và không cần thiết bởi những lợi ích lâu dài cho người mẹ, cho thai nhi và em bé sau khi sinh.
Trước khi
mang thai cần tiêm những vắc xin nào, tiêm bao lâu. tiêm ở đâu, lưu ý những gì? Đầy đủ các thông tin để mẹ tham khảo nếu đang có kế hoạch mang bầu.
Tiêm phòng trước khi mang thai có cần thiết không?
Trong quá trình mang thai hệ miễn dịch của người mẹ sẽ yếu đi và dễ mắc các bệnh có thể gây hại cho mẹ và em bé trong bụng. Nếu người mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sởi, quai bị Rubella… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Vì thế tiêm chủng trước khi mang thai không chỉ bảo vệ cho mẹ mà còn giúp cho thai thi phát triển tránh được những rủi ro bệnh tật nhất định.
Theo BS.Nguyễn Lê Nga – Hệ thống tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn VNVC Hà Nội: “Trong quá trình mang thai nếu mẹ mắc một số bệnh như cúm, thủy đậu, sởi Rubella, bạch hầu, ho gà, uốn ván thì có thể lây sang em bé trong bụng gây ra những dị tật bẩm sinh. Ví dụ như mẹ bị cúm gây nguy cơ đẻ non, sảy thai, thai lưu, mẹ bị Rubella gây bệnh lý bẩm sinh về mắt, tim mạch cho em bé, câm điếc bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, mẹ bị thủy đậu con có thể bị thủy đậu sơ sinh…”
Theo thống kê, tại Việt nam mỗi năm có khoảng hơn 41.000 trẻ mắc dị tật bẩm sinh chào đời tương đương cứ 13 phút có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh được sinh ra. Đáng lưu ý, số trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700 trẻ (chiếm tỉ lệ 11%). Số trẻ mắc dị tật bẩm sinh còn sống sau giai đoạn sơ sinh là 40.000 trẻ. Con số này nhắc nhở chị em phụ nữ nên đi tiêm phòng trước khi mang thai để làm giảm bớt nguy cơ di tật bẩm sinh thai nhi. Phòng bệnh hiệu quả, góp phần làm tăng chất lượng sức khỏe cộng đồng và giảm nỗi đau cho chính các gia đình, cho mỗi người mẹ, mỗi em bé không may bị dị tật bẩm sinh.
Nếu mẹ được tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai thì cơ thể mẹ sẽ mang những miễn dịch ổn định và máu của mẹ truyền qua bào thai giúp thai nhi thụ động hưởng lượng kháng thể đó và ổn định ít nhất trong 6 tháng đầu sau khi sinh. Nhờ vậy 6 tháng đầu đời của con ở bên ngoài bụng mẹ dù phải tiếp cận với môi trường nhiều bệnh lý nhưng bé có đủ miễn dịch để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Bớt chút thời gian trong cuộc sống, lựa chọn tiêm phòng
trước khi mang thai mẹ có thể phòng được nhiều loại bệnh có khả năng gây dị tật thai nhi nếu bị nhiễm trong thai kì và tạo nền tảng sức khỏe tốt nhất cho những năm tháng đầu đời của con sau khi sinh.
Các mũi vắc xin tiêm phòng trước và trong khi mang thai
- Tiêm phòng HPV: tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung (HPV) cho phụ nữ dưới 26 tuổi trước khi mang bầu. Vắc xin này bao gồm 3 mũi tiêm, kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu như mang thai.
- Tiêm phòng viêm gan B: Tiêm trước hoặc trong khi mang thai đều được, liều tiêm là 3 mũi trong vòng 4 tháng. Mẹ cần làm xét nghiệm trước, nếu có đủ kháng thể rồi thì không cần tiêm.
- Tiêm phòng sởi, quai bị, Rubella 3 trong 1: nên tiêm phòng ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Chỉ tiêm một liều duy nhất, nếu có dịch tiêm nhắc lại.
- Tiêm phòng cúm: có thể tiêm vào mọi thời điểm trước khi mang thai. Riêng vắc xin cúm thường nên nhắc lại hằng năm, đặc biệt với những phụ nữ có tiền căn hen phế quản hay tiểu đường.
- Tiêm phòng thủy đậu: Phụ nữ chưa bị nhiễm thủy đậu nên tiêm vắ xin phòng bệnh này muộn nhất là 3 tháng trước khi mang thai, tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu khi mang thai.
- Tiêm phòng uốn ván: Tiêm mũi đầu từ tuần 22 của thai kỳ trở đi, mũi tiêm nhắc lại cách 1 tháng. Để phòng sinh non mẹ nên tiêm mũi 1 muộn nhất là tuần 26, mũi 2 vào tuần 30.
Tiêm phòng trước khi mang thai ở đâu?
Những lợi ích của việc tiêm phòng trước khi mang thai đã được chứng minh nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Phụ nữ nếu muốn mang thai nên có kế hoạch trước để tiêm phòng. Thời điểm tiêm phải đảm bảo sức khỏe và được kiểm tra kỹ tiền sử về bệnh.
Mẹ có thể tiêm phòng trước khi mang thai tại các Trung tâm y tế dự phòng, các cơ sở y tế được phép thực hiện dịch vụ tiêm phòng cho trẻ em và người lớn, các bệnh viện như Bệnh viện ĐH Y Dược HCM, Viện Pasteur, Bệnh viên Từ Dũ,…
Lưu ý khi tiêm phòng trước khi mang thai
- Tham khảo sự tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm. Tùy tình trạng sức khỏe, mẹ có thể lựa chọn những loại vắc xin phù hợp cho mình.
- Tiêm đầy đủ những mũi tiêm phòng bệnh và các mũi tiêm nhắc lại.
- Đảm bảo thời gian tiêm trước khi mang thai tối thiểu là 3 tháng với những loại vắc xin sống.
- Đảm bảo sức khỏe tốt trước khi tiêm, kiểm tra kỹ tiền sử về các bệnh, về thai nghén trước tiêm để giữ an toàn và hiệu quả nhất.
*