0916.434.429 - 0996.161.686
Cùng Con Phát Triển

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi để bé ăn tốt ngủ ngon

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi để bé ăn tốt ngủ ngon
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi để bé ăn tốt ngủ ngon
Qua tháng đầu nhiều bỡ ngỡ lúc này mẹ đã quen với những việc chăm sóc bé nhưng ở tháng tuổi thứ 2 của trẻ sẽ lại có những vấn đề mới cần chú ý nhiều hơn.

Giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi

Từ tháng thứ 2 thì bé đã ngủ ít hơn so với tháng trước. Nếu trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi ngủ tới 20 tiếng mỗi ngày thì thời điểm này bé chỉ ngủ khoảng 16 tiếng/ngày và giấc ngủ có xu hướng kéo dài hơn. Ban đêm bé cũng có thể ngủ giấc dài 4 – 5 tiếng mới tỉnh dậy để ăn một lần.

Những thời điểm em bé dễ buồn ngủ là cuối cữ bú hoặc là sau khi bú được khoảng 30 phút. Lúc này ba mẹ nên chú ý cách để ru ngủ cho bé như thế nào để con ngủ được ngon và sâu giấc hơn, không bị giật mình. Giấc ngủ của bé có 2 pha: pha ngủ sâu và pha ngủ động, cứ khoảng 10 – 15 phút/pha, các pha nối tiếp tạo thành 1 chu kì ngủ.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi để bé ăn tốt ngủ ngon (1)


Trong một giấc ngủ của trẻ có nhiều chu kì ngủ nên ba mẹ có thể thấy bé ngủ sâu được một lát rồi lại ngọ nguậy, ọ ẹ hoặc là khóc tỉnh. Để bé ngủ lại được mà không cần phải dỗ bé bằng cách cho bú thì mẹ làm như sau:
- Nếu bé khóc thì không bế bé hoặc cho bé bú để xoa dịu bé sẽ khiến bé bị phụ thuộc và không tạo thói quen tự ngủ lại được.
- Hãy để bé tự ru mình vào giấc ngủ tiếp, có thể hỗ trợ bé bằng cách vỗ nhẹ nhàng.
- Giúp bé phân biệt giấc ngủ ngày và đêm: ban ngày nhiều âm thanh, ánh sáng hơn nên mẹ không cần phải giữ yên tĩnh quá khi bé ngủ vào ban ngày để bé quen với tiếng động sẽ đỡ bị giật mình. Ban đêm thì giữ phòng tối và yên tĩnh hơn.

Dinh dưỡng cho trẻ 2 tháng tuổi

Nếu mỗi cữ bú của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cách nhau 1,5 – 2 tiếng thì sang tháng tuổi thứ 2 nên kéo dài khoảng cách giữa các cữ bú ra. Thời gian lý tưởng là 2,5 – 3 tiếng: 2,5 tiếng đối với bé bú sữa mẹ và 3 tiếng đối với bé bú sữa công thức. Việc kéo dài cữ bú sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của em bé 2 tháng tuổi.

Lượng sữa tiêu chuẩn trong ngày cho trẻ 2 tháng tuổi tính theo công thức: 120ml/kg cân nặng/ngày.

Nếu bé bú đủ sữa vào ban ngày rồi thì ban đêm sẽ bú ít hơn và có xu hướng chỉ bú 1 cữ đêm. Mẹ không cần cố đánh thức bé vào ban đêm để cho bé bú nếu ban ngày bé đã được cung cấp đủ lượng sữa cần thiết rồi và cữ ăn cuối cùng cách đó không quá 5 tiếng.

Những vấn đề thường gặp ở trẻ 2 tháng tuổi

- Bé hay rướn người, vặn vẹo người
Bé thường rướn người, vặn vẹo người dẫn đến việc bị trớ sữa. Do lúc này cơ thể em bé đã linh hoạt hơn, cổ quay qua quay lại được, tay chân hoạt động tốt hơn nên việc rướn, vặn vẹo là cách để em bé hoạt động. Đó là hoạt động bình thường trong tiến trình phát triển của bé chứ không phải do bé khó chịu hay bị thiếu chất gì.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi để bé ăn tốt ngủ ngon (2)


- Rôm sảy ở da
Các hoạt động trao đổi chất ở trẻ 2 tháng tuổi lúc này diễn ra mạnh làm nhiệt tỏa ra nhiều hơn nên em bé dễ bị nóng bức hơn. Nếu ba mẹ không có biện pháp làm mát phòng, không cho bé mặc quần áo thoáng mát thì bé hay bị toát mồ hôi sinh rôm sảy.

Bởi vậy ba mẹ cần có các biện pháp làm mát phòng, giữ mát cho con, tắm rửa vệ sinh thường xuyên. Không nhất thiết phải sử dụng các loại lá tắm, có thể sử dụng các loại sữa tắm có độ pH phù hợp với da em bé.

Rôm sảy về cơ bản là lành tính, sau khoảng 1 – 2 tuần sẽ hết. Mẹ lưu ý không sử dụng phấn rôm cho bé vì phấn rôm dễ gây bít tắc lỗ chân lông làm tình trạng rôm sảy thêm nghiêm trọng.

- Chàm sữa
Nếu bé bị chàm sữa thì thường xuất hiện vào thời điểm 2 tháng tuổi này. Khi đó mẹ càng cần chú ý vấn đề vệ sinh da cho con và giữ ẩm cho da, không tắm nước quá nóng. Da khô sẽ càng dễ khởi phát chàm.

- Nôn trớ sinh lý
Như đã nói ở trên, khi bé được 2 tháng tuổi mẹ thấy con vặn vẹo người là trớ sữa, hoặc là ngủ dậy rồi vẫn trớ sữa thì nguyên nhân trước tiên là do đặc điểm cấu tạo dạ dày của em bé: cơ thắt còn yếu, dạ dày nằm ngang cao hơn so với người lớn, đồ ăn của bé lại là sữa dạng lỏng cho nên khi dạ dày co bóp mà em bé ăn no quá thì sữa sẽ trào ngược lên.

Trong giai đoạn 1 tháng hoạt động bú của trẻ chưa thuần thục nên bé không bú được nhiều sữa mỗi lần, sang tháng thứ hai thì bú tốt hơn nên mỗi lần bé ăn nhiều, ăn no, thay đổi tư thế đột ngột, cười đùa sẽ dẫn đến tình trạng trớ sữa sinh lý.
Cách khắc phục: Không cho bé ăn quá no, vỗ ợ hơi cho bé sau khi ăn, không bế thay đổi tư thế đột ngột và không cười đùa nhiều sau khi ăn.

Nôn trớ sinh lý hầu như em bé nào cũng có thể gặp phải, ngày bị 1 lần, vài ngày bị một lần và mẹ không cần phải quá lo lắng vì khi bé lớn hơn thì tình trạng đó sẽ được khắc phục.

Nghiêm trọng hơn một chút thì trẻ có thể bị trào ngược dạ dày thực quản thì bé có thể trớ nhiều lần trong ngày, trớ sau khi mới vừa bú xong, trớ sau khi ngủ dậy… Khi bé bị trớ liên tục thì mẹ nên đưa bé tới bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể để chăm sóc con.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi để bé ăn tốt ngủ ngon (3)


- Tắc tuyến lệ hay còn gọi là tình trạng nước mắt sống
Thường xuất hiện ở tháng thứ 2 đó là tình trạng mắt của bé lúc nào cũng ướt, chảy nước mắt, đổ nhiều ghèn hơn đặc biệt sau khi ngủ dậy nhưng không có viêm, không đỏ mắt. Thường chỉ gặp phải ở 1 mắt.

Tự thông tắc tuyến lệ cho bé bằng cách: Rửa sạch tay, dùng ngón tay day nhẹ tuyến lệ của con ở góc mắt bị tắc. Mỗi lần 3 – 5 phút, 3 – 4 lần/ngày. Trong khoảng vài tuần đến vài tháng thì bé sẽ hết tắc tuyến lệ. Sau 6 tháng mà mắt bé vẫn không hết tắc hoặc là mắt bé tiết quá nhiều ghèn, có viêm thì mẹ nên đưa bé tới bác sĩ thông tắc.

- Nấc cụt (nấc cục)
Các nhà khoa học cũng không tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây ra nấc cụt nhưng hiện tượng này cũng không gây nên ảnh hưởng về sức khỏe của trẻ.

Có một số điều mà các mẹ nên lưu ý đó là nếu bé bú nhanh, bú gấp quá hoặc cười nhiều quá nên nuốt phải nhiều hơi thì có thể bị nấc, bị lạnh vùng bụng cũng có thể bị nấc cụt. Sau khi bé ăn xong mẹ vỗ ợ hơi cho bé thì cũng có thể giảm thiểu tình trạng này.

- Táo bón chức năng do giãn ruột sinh lý
Bé đang đi tiêu nhiều lần trong ngày chuyển sang nhiều ngày mới đi, xì hơi thối nhiều hơn, hay vặn vẹo người, hay rặn đỏ mặt, vẫn bú mẹ bình thường, không có sự thay đổi loại sữa, phân vẫn vàng tươi. Đa phần gặp ở trẻ 2 tháng tuổi và mẹ yên tâm là hiện tượng này không thể hiện vấn đề xấu về sức khỏe, không cần uống thuốc điều trị.

Mẹ chỉ cần có những biện pháp cơ học giúp bé dễ đi tiêu hơn đó là massage vùng bụng cho con, cho bé thực hiện động tác đạp xe đạp. Mất khoảng 2 – 3 tuần để bé đi qua giai đoạn sinh lý này.

Trong trường hợp 7 ngày mà bé vẫn chưa đi tiêu lần nào thì nên thụt cho con để giúp con dễ chịu hơn: dùng mật ong pha với nước với tỉ lệ 2:1, dùng tăm bông chấm nước đã pha sau đó đưa vào trong hậu môn của bé để kích thích hậu môn giúp con dễ đi tiêu hơn.

Hỗ trợ phát triển trí não cho trẻ 2 tháng tuổi

Trẻ 2 tháng tuổi đã nhận biết mọi thứ xung quanh tốt hơn, tầm nhìn tốt hơn, nghe tốt hơn, bắt đầu có thể nhận biết mẹ. Để kích thích giúp em bé phát triển trí não tốt hơn thì mẹ nên:
- Cho bé sử dụng đồ chơi nhiều màu sắc, âm thanh
- Tích cực trò chuyện, tương tác trực tiếp với bé hàng ngày: kể chuyện, đọc sách, hát… giúp khả năng tiếp nhận, nhận biết âm thanh tốt hơn, nhanh biết nói.
- Giấc ngủ rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ nhất là trong những tháng đầu đời. Chỉ nên ôm ấp con khi con đang thức, còn khi ngủ hãy để bé tự ngủ mà không bị quen với vòng tay của mẹ và không ngủ được yên giấc khi không được ôm.

Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi

*

Đăng ký nhận tin: