9 sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ tuyệt đối tránh
9 sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ tuyệt đối tránh
Lần đầu làm mẹ, các chị em có rất nhiều thắc mắc trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Cùng tìm hiểu để có cách nuôi con khoa học, khỏe mạnh từ lời khuyên của các chuyên gia.
1. Cắt tóc máu sớm cho trẻ sơ sinh
Hỏi: Khi nào thì nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh? Mình muốn thôi nôi xong mới cắt tóc máu cho con nhưng có người bảo cắt lúc đầy tháng, có người bảo cắt sau 3 tháng 10 ngày, hoặc 6 tháng sau sinh. Như vậy có đúng không?
Lời khuyên: Tóc của trẻ sơ sinh còn gọi là tóc non hay tóc máu. Xét theo góc độ y khoa, cắt tóc máu sớm cho trẻ sơ sinh là việc không nên làm, dễ làm tổn thương lớp da đầu còn mỏng và thóp đầu chưa đóng. Phải đến khi hơn 1 tuổi, khi thóp của trẻ bắt đầu liền mới có thể cắt tóc máu an toàn. Hơn nữa, khi thóp chưa liền, cắt tóc làm mỏng đi không có lợi cho việc giữ ấm cho bé nhất là trong mùa lạnh.
2. Không tắm cho trẻ sơ sinh vì sợ lạnh
Hỏi: Cơ thể trẻ sơ sinh khá sạch, nhất là vào mùa đông bé không tiết mồ hôi. Trời lạnh tầm dưới 10 độ nếu tắm con sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Vậy trẻ sơ sinh một tuần không tắm có làm sao không?
Lời khuyên:
Trẻ sơ sinh cần được tắm để tránh nhiễm khuẩn và đảm bảo vệ sinh. Mẹ khó có thể tránh được một số vết bẩn từ thức ăn và môi trường xung quanh dính lên quần áo và người bé.
Vào mùa lạnh, không nhất thiết phải tắm cho bé hàng ngày nhưng mẹ nên tắm cho bé khoảng 2 - 3 lần mỗi tuần, mỗi lần không quá 5 phút. Bé trên 3 tháng tuổi thời gian tắm tối đa khoảng 10 phút. Sau khi tắm mẹ nhớ ủ ấm, xoa dầu tràm cho bé để phòng cảm lạnh.
3. Cho trẻ sơ sinh uống nước
Hỏi: Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không. Mình thấy nhiều mẹ cho trẻ sơ sinh uống nước để tráng miệng, làm sạch lưỡi, giúp bé đỡ bị táo bón có phải không?
Lời khuyên:
Những điều trên hoàn toàn sai lầm. Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ cần cho bú mẹ là đủ, không cần bổ sung thêm nước. Bé nào không bú mẹ mà sử dụng sữa công thức cũng vậy. Sữa mẹ đã chứa hàm lượng nước phù hợp và không cần uống nước lọc để tráng miệng.
Cho trẻ sơ sinh uống nước có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hệ bài tiết còn non yếu của con. Trong giai đoạn sơ sinh mẹ cho bé uống nước quá sớm, quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của bé. Trong giai đoạn này mẹ nên quan tâm tìm hiểu
bình sữa nào tốt cho trẻ sơ sinh hơn là lo bé thiếu nước mẹ nhé.
4. Hôn bé quá nhiều
Hỏi: Vì sao không nên hôn trẻ sơ sinh?
Không nên hôn trẻ sơ sinh nhiều vì cơ thể bé còn rất non yếu, sức đề kháng trong người rất kém. Nhiều người hôn sẽ tăng nguy cơ bé mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp gây các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh răng miệng, dạ dày, truyền nhiễm virus HP…
5. Rút ngắn thời gian bú mẹ
Hỏi: Mình ít sữa nên muốn cai sữa sớm cho bé có ảnh hưởng gì không?
Lời khuyên:
Sữa mẹ chứa rất nhiều dưỡng chất tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Sữa mẹ có nhiều chất đề kháng mà trong sữa công thức không có được. Thế nên ho bé bú mẹ còn giúp làm tăng hệ miễn dịch của trẻ. Mẹ cố gắng cho bé ti hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để đảm bảo sức khỏe cho bé, và kết hợp cho bé ăn dặm, uống sữa ngoài đến khi được 24 tháng tuổi.
6. Sử dụng phấn rôm sai cách
Hỏi: Có phải dùng thật nhiều phấn rôm sẽ hút ẩm tốt nên tránh được hăm tã?
Lời khuyên:
Thoa phấn rôm quá nhiều nhất là vào mùa hè có thể dẫn tới bít lỗ chân lông gây dị ứng da. Mẹ không nên đổ trực tiếp phấn rôm lên da bé, không bật quạt để tránh bé hít phải bột phấn gây tổn thương đến phổi.
7. Trì hoãn đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ lên cơn sốt
Hỏi: Bé bị sốt nhưng vẫn tươi tỉnh, chơi ngoan ăn uống bình thường thì có cần đưa đi khám không?
Lời khuyên:
Khi trẻ sơ sinh bị sốt không rõ nguyên nhân, nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi nhưng không tới bệnh viện kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng: co giật, mất nước, suy hô hấp, tim mạch, máu khó đông… thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Vì vậy bố mẹ cần phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi trẻ có biểu hiện co giật, sốt cao 38,9 độ, sốt kéo dài 2 – 3 ngày thay vì tự tìm cách hạ sốt hoặc là theo dõi, chờ đợi bé hạ sốt. Khi trẻ sốt 38 độ, chưa cần uống thuốc hạ sốt.
8. Quấn tã quá chặt, bọc con quá kín
Hỏi: Mình được mách quấn tã chặt giúp con ít giật mình, ngủ ngoan hơn vì bé có cảm giác như nằm trong tử cung. Giữ ấm cho bé bằng cách mặc nhiều quần áo khi ngủ. Những kinh nghiệm này là đúng hay sai?
Lời khuyên:
Quấn tã cho bé quá chặt dễ ảnh hưởng tới sự phát triển hông, cơ xương của trẻ. Mặc nhiều quần áo, quấn con trong nhiều lớp chăn mền khiến bé nóng bức đổ mồ hôi, nếu mẹ không lau kịp bé gặp thời tiết lạnh bé có thể bị cảm lạnh đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi lên 4 lần.
9. Cho bé sơ sinh nằm gối
Hỏi: Có phải bé sơ sinh không nên nằm gối mà chỉ cần lót cái khăn mỏng cho bé nằm là được không ạ?
Lời khuyên:
Mẹ Việt có thói quen cho trẻ sơ sinh nằm gối trong khi điều này là hoàn toàn không cần thiết thậm chí có thể gây nguy hiểm cho bé. Đầu chiếm tới 25% trọng lượng cơ thể của bé sơ sinh trong khi phần đầu bé còn mềm, cổ cũng rất yếu. Việc kê gối ngủ cho bé có thể dẫn tới các nguy cơ:
- Đầu bé bị chìm sâu trong gối dẫn đến khó thở, ngạt thở
- Tăng nhiệt độ dưới đầu bé, ra nhiều mồ hôi dễ dẫn đến sốt cao.
- Trượt đầu từ gối cao xuống mặt giường có thể gây tổn thương cổ
Bé dưới 2 tuổi không cần gối đầu, hoặc mẹ chỉ cần gấp một chiếc khăn xô kê dưới đầu bé là đủ.
Xem thêm: 6 dấu hiệu chứng tỏ bé sơ sinh khỏe mạnh