0916.434.429 - 0996.161.686
Cùng Con Phát Triển

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa không?

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa không?
Có nên cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa không?
Nhiều mẹ nói cho bé nằm điều hòa khiến bé bị ho, sổ mũi, dễ ốm. Điều này có đúng không và có nên cho bé sơ sinh nằm điều hòa hay không? Đây là lời giải đáp.

Nỗi bận tâm của các bà mẹ trong những ngày nắng nóng của mùa hè là có thể sử dụng điều hòa để làm mát cho em bé không? Nếu sử dụng thì dùng như thế nào cho thích hợp, nhiệt độ ra sao, độ ẩm như thế nào?
Hôm nay ChuChuBaby sẽ chia sẻ với các mẹ về vấn đề này để các mẹ yên tâm, tự tin hơn khi chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh trong mùa hè.

Trẻ sơ sinh có thân nhiệt cao hơn người lớn

Sơ sinh là giai đoạn nhỏ bé, yếu ớt, mong manh nhất của một đứa trẻ nhưng không phải vì thế mà các bố mẹ luôn quấn con trong thật nhiều lớp quần áo, tã lót để bảo vệ con khỏi gió khỏi lạnh bởi vì thân nhiệt của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cao hơn của người trưởng thành. Trong cùng một môi trường em bé lúc nào cũng thấy nóng bức hơn nguyên nhân là do một cơ thể đang lớn lên nhanh cần rất nhiều năng lượng, các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể cũng diễn ra nhiều hơn sẽ tỏa ra nhiệt lượng nhiều hơn. Em bé thường bị nóng, dễ toát mồ hôi để cân bằng nhiệt của cơ thể.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa không? (1)


Kiểm tra thân nhiệt cho em bé thì phải kiểm tra ở vùng lưng, bụng, cổ mới chính xác. Nếu kiểm tra ở vùng trán, tay chân thì thường có xu hướng cảm thấy bé lạnh, không phản ánh chính xác nhiệt độ cơ thể của bé.

Lưu ý, khi kiểm tra nhiệt độ cho em bé bằng tay thì phải dùng mu bàn tay mới mang lại cảm giác chính xác. Không dùng lòng bàn tay bởi nhiệt độ lòng bàn tay thường không ổn định, lúc nóng lúc lạnh dễ làm chúng ta nhầm lẫn.
Khi thân nhiệt của trẻ quá nóng dễ gây ra hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (SIDS), đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Vì những lý do trên cần thiết duy trì nhiệt độ phòng mát mẻ, thoải mái cho em bé để tránh khiến em bé bị nóng bức, khó chịu và có thể gặp những nguy cơ về sức khỏe. Hoàn toàn có thể sử dụng điều hòa và quạt cho trẻ sơ sinh. Nếu các mẹ để ý sẽ thấy tại các bệnh viện em bé mới sinh có sức khỏe bình thường thì vẫn được cho nằm phòng điều hòa cùng mẹ.

Cách sử dụng điều hòa làm mát cho trẻ sơ sinh

Khi sử dụng điều hòa nhiệt độ và độ ẩm phù hợp phụ thuộc vào: thời tiết bên ngoài, diện tích phòng và công suất điều hòa. Nhiệt độ mẹ đặt hiển thị trên máy điều hòa không trùng với nhiệt độ thực tế trong phòng. Độ ẩm khác nhau cũng mang lại cảm giác về nhiệt độ khác nhau. Bởi vậy, để kiểm tra nhiệt độ chính xác trong phòng thì nên có một chiếc nhiệt kế. Trong phòng em bé thì nhiệt độ phòng nên ở mức 26 - 28 độ C, độ ẩm thích hợp là từ 40 – 60% (có thể sử dụng thêm máy tạo độ ẩm). Điều chỉnh tăng giảm nhiệt độ điều hòa tùy thuộc vào diện tích phòng và nhiệt độ môi trường bên ngoài.

Có thể sử dụng quạt và điều hòa cho em bé với điều kiện không để hai thiết bị này thổi thẳng vào người em bé. Nên dùng quạt thổi nhẹ và quay sang hướng khác để tạo sự luân chuyển không khí trong phòng chứ không được thổi trực tiếp vào người bé.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa không? (2)


Để duy trì nhiệt độ cho bé trong khi ngủ thì không nên phụ thuộc vào chăn mà nên chú ý đến quần áo mặc cho bé khi ngủ. Chỉ cần dùng chăn mỏng, mặc quần áo giữ ấm vùng bụng nhưng rộng thoáng ở tay chân cho bé. Không nên bỏ nhiều đồ xung quanh bé trong khi ngủ như gối, thú bông. Tùy thuộc vào nhiệt độ trong phòng mà mặc cho bé 1 hay nhiều lớp quần áo. Bé mặc một bộ quần áo mỏng dài bình thường là thoải mái và dễ ngủ nhất.

Mẹ nên cho bé làm quen với luồng không khí nóng bên ngoài phòng điều hòa trước khi cho bé ra ngoài để tránh sốc nhiệt. Khi bé ở ngoài về cũng nên để bé nghỉ ngơi, quen với nhiệt độ phòng khoảng 3 phút rồi mới bật điều hòa.

Trẻ bị sổ mũi, hắt hơi, ho, ốm có phải do nằm điều hòa?

Điều hòa, không khí lạnh từ điều hòa không gây ra bệnh. Tác nhân gây bệnh chính là những vi khuẩn, virus. Phòng sử dụng điều hòa thường khô và lạnh hơn bên ngoài sẽ tác động đến niêm mạc mũi của em bé. Mũi sẽ thích ứng bằng cách tăng chất đờm để làm ẩm vùng mũi. Cho nên những ngày đầu dùng điều hòa bé thường có tình trạng sụt sịt mũi, hắt hơi. Nếu nước mũi tiết ra nhiều mà em bé nằm ngửa làm chảy ngược xuống họng thì sẽ có tình trạng ho nữa. Đó là những biểu hiện thường diễn ra trong khoảng vài ngày đầu cho bé ở phòng điều hòa. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn, virus thì sau vài ngày bé sẽ trở lại bình thường, không hắt hơi, chảy nước mũi nữa.

Khi con có biểu hiện này ba mẹ nên nhỏ mũi cho con bằng nước muối sinh lý để vừa làm sạch, vừa duy trì độ ẩm. Đồng thời đảm bảo vệ sinh trong căn phòng, giữ phòng thông thoáng, không có nhiều người ra vào, tắm rửa cho bé mỗi ngày để giúp bé tránh khỏi những nguồn virus, vi khuẩn có thể gây bệnh.

Khi bật điều hòa trong phòng mà không đảm bảo độ ẩm sẽ làm khô niêm mạc gián tiếp làm giảm khả năng miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh, bé dễ bị vi khuẩn virus tấn công hơn. Thêm nữa môi trường lạnh thích hợp cho một số loại virus viêm đường hô hấp phát triển tốt hơn, sống lâu hơn. Giống như bắt đầu vào mùa đông cũng gia tăng số lượng em bé mắc các bệnh về đường hô hấp.

Tóm lại, ba mẹ không nên lo lắng vấn đề trẻ sơ sinh có nằm được điều hòa không mà nên quan tâm đến vấn đề vệ sinh và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp trong phòng. Nhớ vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh điều hòa ít nhất 6 tháng/lần. Hàng ngày nên mở cửa phòng vào buổi sáng tạo sự lưu thông không khí thông thoáng ở trong phòng. Hạn chế đưa những nguồn virus, vi khuẩn có thể xâm nhập vào phòng em bé vì phụ nữ có thai, trẻ em, người già là những đối tượng có sức miễn dịch yếu rất dễ bị vi khuẩn tấn công.
 
Xem thêm: Cách trị nóng trong người cho trẻ sơ sinh giúp bé dễ chịu, tăng cân nhanh

*

Đăng ký nhận tin: