0916.434.429 - 0996.161.686
Mang Thai

8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không được quên

8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không được quên
8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không được quên
Lần đầu mang thai luôn khiến nhiều mẹ vô cùng bỡ ngỡ. Trong 40 tuần thai kỳ, nhiều mẹ thường có chung một câu hỏi là nên đi khám thai bao nhiêu lần và nên khám vào thời điểm nào?

Trên thực tế, tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ mà số lần khám thai ở mỗi mẹ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu mẹ có một thai kỳ bình thường và khỏe mạnh, mẹ đừng quên 8 mốc khám thai rất quan trọng dưới đây nhé!

1. Tuần 5-6: Kiểm tra thai nhi đã vào tổ
Ngay khi biết mình trễ kinh và thử que lên 2 vạch, mẹ hãy sắp xếp thời gian để đi khám thai ngay nhé! Thời điểm này, em bé của mẹ đã được khoảng 5-6 tuần tuổi (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối).

Siêu âm vào thời điểm này sẽ giúp mẹ xác định thai đã vào tử cung hay chưa. Nếu chưa thấy thai vào tử cung, mẹ sẽ cần phải theo dõi hoặc làm thêm một vài xét nghiệm. Việc có thai ngoài tử cung nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm.

Vì vậy, siêu âm vào thời điểm này sẽ giúp mẹ hạn chế được những rủi ro nếu chẳng may em bé không làm tổ đúng nơi “quy định”.

Mẹ bầu nên đi khám ngay khi biết mình có thai

2. Tuần 7-8: Kiểm tra tim thai
Tình trạng ốm nghén của mẹ có thể sẽ bắt đầu tăng lên đáng kể ở giai đoạn này. Cho dù bạn luôn cảm thấy thật mệt mỏi và dường như không thể ăn uống, thai nhi vẫn đang phát triển không ngừng nghỉ. Thực tế, thai nhi giai đoạn này sống bằng nội tiết chứ không phải bằng dinh dưỡng của mẹ.

Đi khám thai vào lúc này sẽ giúp bác sĩ xác định thai có phát triển tốt, có tim thai hay chưa, kích thước túi ối có đạt tiêu chuẩn. Mẹ cũng sẽ được đo nhịp tim, huyết áp để biết tình trạng nghén có bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định có cần phải bổ sung loại thuốc nào cho phù hợp.

3. Tuần 12-13: Đo độ mờ da gáy
Đây là một trong những mốc khám thai vô cùng quan trọng mà mẹ tuyệt đối không được bỏ qua cũng như không nên để quá trễ. Từ 11-13 tuần tuổi là thời điểm tốt nhất để bác sĩ siêu âm đo độ mờ da gáy và xác định nguy cơ dị tật. Với khoảng mờ sau gáy lớn, mẹ sẽ cần làm thêm các xét nghiệm sàng lọc để tiếp tục theo dõi.

Trong giai đoạn này, nếu siêu âm 4 chiều cũng có thể phát hiện sớm những bất thường về hình thái thai nhi như: dị dạng các chi, bất thường ở cột sống…


Đo độ mờ da gáy là một mốc khám thai quan trọng

4. Tuần 14-17: Xét nghiệm Triple test
Triple test cũng là một xét nghiệm tầm soát trước sinh rất quan trọng giúp phát hiện nguy cơ sớm dị tật bẩm sinh. Hầu hết các thai phụ đều được chỉ định làm xét nghiệm này, đặc biệt trong các trường hợp như mẹ trên 35 tuổi, gia đình có tiền sử, từng sử dụng chất gây nghiện hoặc mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai.

5. Tuần 21-23: Siêu âm hình thái thai nhi
Lúc này, em bé của mẹ đã lớn hơn rất nhiều và có thể dài tới hơn 20cm. Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong quá trình mang thai. Lần siêu âm này sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra các bất thường về hình thái các cơ quan và có thể can thiệp kịp thời.

Trong lần khám thai này, mẹ cũng có thể phải làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, tiêm phòng uốn ván. Hãy tham khảo bác sĩ về chế độ dinh dưỡng cũng như việc bổ sung canxi, sắt cho mình nữa nhé!

6. Tuần 28-30: Theo dõi sự phát triển thai nhi
Sau khoảng 3-4 tuần từ lần khám thai trước, mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định tiếp tục siêu âm và theo dõi xem thai có phát triển ổn định. Có rất nhiều chỉ số được kiểm tra trong giai đoạn này và mẹ cũng sẽ cần phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để bé yêu được phát triển tốt nhất.

Siêu âm màu giúp xác định hình thái thai nhi

7. Tuần 31-32: Siêu âm màu 4D
Tuần thứ 32 cũng là một cột mốc phát triển quan trọng trong thai kỳ. Giai đoạn này, siêu âm 4D sẽ giúp xác định những dị tật bên trong thai nhi như bất thường mạch máu, động mạch não. Siêu âm cũng giúp mẹ biết thêm về ngôi thai, mức độ phát triển của em bé.

Giai đoạn này, mẹ nên chú ý ăn nhạt và làm thủ tục đăng ký nơi sinh mà mình tin cậy.

8. Tuần 35-36: Theo dõi trước sinh
Mẹ đã tiêm mũi uốn ván thứ 2 chưa? Đây là giai đoạn mẹ cần sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho việc đón bé chỉ trong thời gian ngắn nữa. Trước ngày gần sinh, bác sĩ sẽ siêu âm và kiểm tra kỹ càng về trọng lượng và chiều dài thai, tình trạng nước ối, dây rốn…

Sau tuần này, mẹ cũng cần thường xuyên đi khám để theo dõi hoặc khi có bất kỳ dấu hiệu nào như đau bụng, ra máu…

Phía trên là 8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu buộc phải ghi nhớ. ChuChuBaby chúc tất cả các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Đăng ký nhận tin: